Trường THPT Số 2 An Lão 3.88

Thị trấn An Lão - An Lão - Bình Định
An Lão, 53000
Vietnam

About Trường THPT Số 2 An Lão

Trường THPT Số 2 An Lão Trường THPT Số 2 An Lão is a well known place listed as School in An Lão ,

Contact Details & Working Hours

Details

Trường trung học phổ thông số 2 An Lão được thành lập theo Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Định trên cơ sở tách cấp trung học phổ thông của Trường phổ thông dân tộc nội trú An Lão. Ngày 01 tháng 10 năm 2007 trường bắt đầu đi vào hoạt động, lúc đó còn mượn cơ sở của Trường phổ thông dân tộc nội trú An Lão, hai tuần sau mới chuyển về trường hiện nay (15/10/2007).
Năm học đầu tiên ( năm học 2007 – 2008 ) tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 26 người, trong đó cán bộ quản lý 02 người ( 01 Hiệu trưởng, 01 Phó hiệu trưởng ), giáo viên 20 người ( 19 giáo viên thuyên chuyển từ Trường phổ thông dân tộc nội trú An Lão, 01 giáo viên thuyên chuyển từ Trường trung học phổ thông An Lão ), nhân viên 04 người ( 01 kế toán, 01 thư viện, 01 văn thư, 01 bảo vệ ).


Năm học đó, tổng số học sinh toàn trường là 349 em ( 100% là người dân tộc thiểu số ), được chia thành 11 lớp ( khối 10: 5 lớp; khối 11: 4 lớp; khối 12: 2 lớp ). Đến năm học 2008 – 2009 thì trường mới được tuyển vào lớp 10 một số học sinh người Kinh ( 73 học sinh ).
Thời gian đầu, trường chỉ là 02 dãy phòng học với 16 phòng, không có một bóng cây, sân trường chỉ là cát, cỏ và nước…
Thật sự thì lúc đó với điều kiện về cơ sở vật chất, về học sinh và về những lý do khác thì cũng không ít người bi quan, không tin rằng chúng ta sẽ xây dựng nhà trường được như ngày hôm nay.
Trong khó khăn đó, tập thể nhà trường từ cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên đã biết đoàn kết, phát huy nội lực để vượt qua. Và trong khó khăn nhà trường đã luôn được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của các lực lượng xã hội, và cả những học sinh thân yêu đã biết đồng cảm, chia sẻ những nỗi vất vả của thầy cô nên các em đã ngoan hơn, chăm hơn.
Rồi thời gian cứ trôi đi, cây xanh đã tỏa bóng mát, trường đã khang trang và đẹp hơn không đơn thuần vì cơ sở vật chất đầy đủ hơn mà đó là những thành tích đạt được trong giáo dục, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Và hơn thế nữa đó là những tin vui trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi đại học, cao đẳng…
Nhưng khó khăn lại nối tiếp khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số không có chỗ ăn, chỗ ở để được “ học cái chữ “ thì giải quyết sao đây? Rồi báo chí, rồi dư luận không hay… Thế là phải lo cho các em có chỗ ăn, chỗ ở, rồi phải quản lý, giúp đỡ các em khi đưa các em vào ở nội trú ( từ năm học 2011 – 2012 bắt đầu tổ chức cho học sinh ở nội trú với khoảng 70 em ).
Trách nhiệm quá lớn lao! Nhưng chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thì sao? Chỉ là đồng tiền lương ít ỏi. Ai đó đã không tha thiết với trách nhiệm người thầy? Nhưng … còn nhiều lắm những thầy giáo, cô giáo đã không màng vật chất, không từ bỏ trách nhiệm để sống hết mình với học trò.
Cứ mỗi kỳ thi tốt nghiệp là bao nỗi lo lại ập về, liệu có thoát khỏi con số không phần trăm hay không khi mà tất cả học sinh 12 đều là người dân tộc thiểu số ( từ năm học 2007 – 2008 đến năm học 2009 – 2010 ). Nhưng rồi sự nỗ lực của thầy và trò đã được đền đáp phần nào khi mà tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của ba năm học đầu tiên đã tăng đều 16%, 25%, 30,2%. Quả thật với kết quả này đối với các trường khác thì rất thấp, nhưng đối với trường chúng ta đó là tâm sức, là mồ hôi, là bao sự lo toan, trăn trở. Có trường nào mà trong suốt ba năm học liên tiếp “ nhốt “ học trò trong các phòng học hơn một tháng để tổ chức dạy ôn thi tốt nghiệp hay không?
Từ năm học 2010 – 2011, mục tiêu chất lượng đào tạo của nhà trường đặt ra không đơn thuần là tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông mà là số lượng học sinh 12 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Áp lực đè nặng lên mỗi một cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường. Và chúng ta đã thành công dù mọi cái chỉ là khởi đầu, học sinh 12 thi đỗ đại học, cao đẳng năm 2011 và 2012 đạt tỷ lệ vượt trên mong đợi của mọi người ( 40% và 45% ).
5 năm đã đi qua, những thế hệ thầy cô của những ngày đầu tiên đến giờ này đã trưởng thành hơn trong khó khăn, đủ niềm tin để tiếp tục sự nghiệp trồng người tại ngôi trường này, và dìu dắt những thế hệ thầy cô giáo trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống của nhà trường; dù trong số đó có người đã thuyên chuyển công tác vì những lý do khác nhau ( 04 giáo viên ).


Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chúng ta thật sự tự hào vì trong khó khăn, thử thách đã cùng đồng lòng vượt qua. Nền nếp, kỷ cương nhà trường được giữ vững; chất lượng giáo dục tiếp tục có chuyển biến theo hướng tích cực; khối đoàn kết nội bộ tiếp tục được duy trì và phát huy, là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và sự phát triển của nhà trường.
Cảnh quan môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp, an toàn; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư; các hoạt động giáo dục, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là thế mạnh của trường; học sinh người dân tộc thiểu số ở xa đã được ở nội trú và đã quản lý tương đối tốt các đối tượng này trong điều kiện còn có nhiều bất cập, khó khăn.
Chúng ta tự hào với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn muôn vàn khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đó là chất lượng giáo dục chưa bền vững, chất lượng đội ngũ nhìn chung có chuyển biến nhưng còn chưa đồng bộ, chất lượng học sinh tuyển sinh vào lớp 10 thấp gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh học yếu không tiếp thu được nội dung kiến thức mới nên chán học, bỏ học còn nhiều, chế độ chính sách có nhiều bất cập, vấn đề quản lý học sinh nội trú còn nhiều vướng mắc về quy định, chế độ…

Do đó, để xây dựng nhà trường tiếp tục phát triển, chúng ta cần tích cực tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và của Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở vật chất, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, giảm số lượng học sinh bỏ học; nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động của ngành gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“; tích cực xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng vững vàng về quan điểm, lập trường, phẩm chất chính trị, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức quản lý giáo dục và định hướng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất; củng cố và phát huy các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả; cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; có nhiều biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, trong đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện quy chế dân chủ là điều kiện tiên quyết hoàn thành tốt công tác quản lý; thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục; thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng cơ sở vật chất; tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các nguồn lực khác để hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tự hào với chặng đường 5 năm qua, vững tin cho ngày mai! Trường trung học phổ thông số 2 An Lão là niềm thương yêu trong trái tim của mọi người, và của bao thế hệ học trò thân thương…