THPT Lấp Vò 2 - Đồng Tháp 3.76

Quốc lộ 848, Tân Mỹ, Lấp Vò, Đồng Tháp
Hanoi, 100000
Vietnam

About THPT Lấp Vò 2 - Đồng Tháp

THPT Lấp Vò 2 - Đồng Tháp THPT Lấp Vò 2 - Đồng Tháp is a well known place listed as School in Hanoi , Home in Hanoi ,

Contact Details & Working Hours

Details

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LẤP VÒ 2
♥-♥
Trường THPT Lấp Vò 2, khai sinh từ đầu năm học 1978 – 1979, tên thì đã có nhưng vóc hình phải mượn của trường THCS Mỹ An Hưng B. Ngày ấy, dù mong mỏi lắm nhưng trường chỉ đón được 8 thầy cô giáo và hơn 100 học sinh.

Hơn một năm sau, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp cho trường khu đất rộng 24.000 m2. Ra đời gặp buổi công cuộc kiến quốc của đất nước còn ngỗn ngang bao khó nhọc, nên phụ huynh học sinh đã ghé vai cùng gánh vác, bởi ai cũng mong muốn con em mình được học tập, được trưởng thành trên mảnh đất của quê nhà. Đến nay trường đã thành hình như mơ ước. Trên tổng thể trường kiến trúc theo hình chữ U, cổng chính đối mặt với tỉnh lộ 849.

Trường THPT Lấp Vò 2, nằm ở vị trí lý tưởng, thuận lợi cho việc học tập, giao lưu văn hóa, khoa học, kinh tế với các vùng lân cận, cách 1 bến phà là thành phố Cao lãnh – trung tâm hành chánh giáo dục của tỉnh, nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Bác. Xuôi dòng Sông Tiền 20 km là thị xã Sa đéc quê hương của nghề trồng hoa, tỉa kiểng. Ngược dòng lên trên là thành phố Long Xuyên, một đô thị sầm uất, nơi đã dưỡng nuôi tâm hồn đạo đức của chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Trường THPT Lấp Vò 2 sinh ra trên quê hương Lấp Vò giàu truyền thống cách mạng, nên nơi đây đã hun đúc lên những con người giàu nhiệt huyết, đầy bản lĩnh, rất năng động và cũng rất đổi nghĩa tình.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường THPT Lấp Vò 2 đã 6 lần thay tên: Trường phổ thông trung học Lấp Vò 2, trung học Thạnh Hưng 3, trung học Thạnh Hưng 2, trung học chuyên ban Thạnh Hưng 2, trung học phổ thông Lấp Vò 2 (do tách Huyện). Dù có bao nhiêu tên gọi nhưng lòng người ở đây chỉ có một. Đó là lòng yêu nghề, yêu người, được truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau.

30 năm họat động, trường Lấp Vò 2 đã cống hiến cho xã hội nguồn lực tri thức đáng kể, góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa đất nước. Trong 5 năm liền tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn ở tốp đầu của tỉnh, số học sinh đỗ vào đại học – cao đẳng ngày càng nhiều, tỉ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia được nâng lên đáng kể. Học sinh Lấp Vò 2, hình như có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước, tham gia nhiều lãnh vực, làm việc ở nhiều vị trí xã hội khác nhau.

Từ năm 1999 đến nay trường Lấp vò 2 đã 6 lần nhận bằng khen và cờ thi đua của UBND tỉnh, 1 bằng khen của tỉnh ủy, 1 của Huyện ủy công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền, 2 bằng khen của Bộ Giáo dục , 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 7 bằng khen và 2 cờ thi đua của TW Đòan TNCS HCM, 1 bằng khen của Công đòan Giáo dục Việt Nam. Với những thành tích đột phá ấy, năm 2009 trường Lấp Vò 2 vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.

Mảnh đất hoang ngày ấy giờ không còn dấu vết, những cố gắng chắt chiu đã kết thành quả ngọt, trái say Mỗi ngày áo trắng học trò cứ lộng gío sân trường, tiếng bài giảng say xưa cứ dầy thêm, mùi ngọc lan cứ lan tỏa lối đi về. Và tất cả chúng tôi tin điều tốt lành sẽ đến. Tin rằng trường Lấp Vò 2 sẽ đến đích của ước mơ !
------------------------------------------------------------------------
TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LẤP VÒ 2
♥-♥
Trường PTTH Lấp Vò 2, khai sinh từ đầu năm học 1978 - 1979, nhưng chưa có cơ sở phải mượn tạm cơ sở của trường THCS Mỹ An Hưng B. Ngày ấy, dù cánh cổng nhà trường rộng mở, dù BGH mong mỏi thiết tha nhưng trường chỉ đón được 8 thầy cô giáo và hơn 100 học sinh nên chỉ chia được làm 3 lớp 10, ba lớp 10 đầu tiên trở thành thế hệ học sinh mở đường làm thành con số 1 để hôm nay có được 35 tuổi lớn khôn.

Năm lập trường là năm nước lụt nên ngày khai giảng sân trường ngập trong nước, lớp học chìm trong nước, bàn ghế ngâm chân trong nước nhưng cả thầy và trò đều không muốn bỏ qua buổi học đầu tiên, lớp học đầu tiên, của một ngôi trường mà cái tên còn mới tinh như trang giấy trắng học trò.

Hơn một năm sau UBND Tỉnh cấp cho 24.000 m2 đất chỉ có nước, lát , cỏ dại và trâm bầu. Ra đời sau 3 năm nước nhà thống nhất, công cuộc kiến quốc còn ngổn ngang bao khó nhọc nên phụ huynh ở Tân Mỹ đã ghé vai gánh vác. Bởi ai cũng mong muốn con em mình được học tập, được trưởng thành trên mảnh đất của quê nhà. Ban vận động xây dựng trường học ra đời. Phụ huynh vận động tiền của, công thợ. BGH tranh thủ sự trợ giúp của UBND tỉnh mua vật tư giá chính thức. Học sinh đào đất đắp nền và vết tích còn lại bây giờ 2 ao sen trước cổng trường nở hoa. Hai năm miệt mài, vun vén năm phòng học nền đất, vách ván, mái tol đã hiện hình trên mảnh đất hoang. Họ đã có căn nhà thật sự của mình dẫu vách thưa, cột vẹo. Và đầu năm 1983 trường dời về Tân Mỹ, sau năm năm cố gắng của biết bao người.

Học sinh ngày một tăng, ngân sách nhà nước không thể xin, trường lại đối mặt với một thử thách khác. Phải tự vận động để tháo gỡ. Ban giám hiệu quyết định làm gạch thủ công.Vì lòng yêu trò, vì tình yêu trường mà thầy trò đã làm nên những viên gạch hồng từ những mẩu đất đất đen bằng chính bàn tay cầm phấn, cầm viết của mình để hai phòng học cấp 4 mọc lên giữa bốn bề nước nổi. Ngày ấy không biết ai đã vô tình hay cố ý đặt tên cho nó là “Phòng học ốc đảo” thật hay, để bây giờ cái tên ấy trở thành hoài niệm của một thời để nhớ, một thuở để yêu thương, một miền kỷ niệm để tự hào của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Rồi ngày tháng đi qua, tên trường đã thành thân thuộc, là mối quan tâm của các cấp chính quyền, là niềm tin, là kỳ vọng của Sở giáo dục. Họ tin ở đây là mảnh đất tốt gieo mầm tri thức, tin ở đây có những người làm vườn cần mẫn biết chút chăm vun bón từng hạt giống của mình. Và thế là đầu năm học 1987 một dãy phòng học kiên cố ra đời với nền móng vững chắc cho một dãy lầu được hoàn thành năm 1995 (khu A)
.
Như nhà nghèo, đông con, nhà cứ chật dần lên, có 1 dãy lầu cũng không đủ đáp ứng, số học sinh ngày một tăng, công trình xây dựng của phụ huynh tưởng chừng khép lại, nhưng một lần nữa họ lại vào cuộc, 8 phòng bán kiên cố ra đời (kể cả 1 phòng của bến phà Cao Lãnh). Sau đó nhiều công trình liên tục được Sở Giáo dục đầu tư. Năm 1997 thêm 1 dãy lầu 10 phòng, 7 phòng lắp ráp (khu B). Năm 2002 lại thêm 1 dãy lầu khác 10 phòng (khu C), 5 phòng lắp ráp (khu D). Năm 2007 các phòng chức năng đã được hoàn thành.

Bởi nắng mưa của thời gian, bởi nhu cầu quy hoạch mới mà một số phòng học lắp ráp không còn, hai phòng “ Ốc đảo” , phòng học của bến phà tặng bị tháo dỡ. Nhưng chúng tôi những người đã dạy và học ở đó xin nghiêng mình tri ân những người bạn đã đồng hành với trường trong những ngày tháng khó khăn ấy. Có nhiều học sinh đã thành đạt từ những phòng ấy.

Đến nay trường đã thành hình như mơ ước. Trên tổng thể trường kiến trúc theo hình chữ U, cổng chính đối mặt với tỉnh lộ 849. Gương mặt của trường rạng rỡ thêm mỗi ngày. Bây giờ, nếu ai chưa từng gắn bó với trường này sẽ khó tìm được dấu tích của một thời đã qua. Con đường vào trường không còn lổm chổm đá núi, đất đỏ không thể bám được chân ai mỗi bận mưa về. Và khoảng trời xanh in bóng xuống sân trường mùa nước nổi, mùi nồng nặc của đất mỗi lúc mưa rào đã đến lúc phải từ biệt đành gửi lại nỗi yêu thương cho liễu xanh, sen hồng, sứ trắng, gửi cho ngọc lan tỏa hương vào mỗi sớm mai.

Ai cũng biết ngôi nhà có vững có bền là nhờ nền móng chắc. Cũng như vậy trường Lấp Vò 2 có được hôm nay là nhờ sức chịu dẻo dai của những viên gạch hôm qua. Người đặt viên gạch đầu tiên là thầy Nguyễn Thanh Bình, làm hiệu trưởng trong điều kiện khó khăn trăm mối từ năm 1978 đến năm 1980. Sau 3 năm gây dựng thầy trở về Hà Tây giao nhiệm vụ lại cho thầy Trần Phúc.

Thầy Phúc mang phong cách năng động, của người Sài gòn vào công tác quản lý, thầy đã đưa trường vượt qua những khó khăn trong thời buổi kinh tế bao cấp từ năm 1981 đến năm 1984. Sau 4 năm gắn bó thầy về lại Sài Gòn, hoài bão thầy gửi lại cho người sau.

Đầu năm 1985 thầy Lò Phúc Thiếm người Thanh Hóa kế nghiệp chức vụ hiệu trưởng đến năm 1986. Thầy làm Hiệu trưởng bằng cái tâm hiền lành, chân chất. Rồi một năm sau thầy về miền Bắc giao trọng trách lại cho thầy Võ Thành Bé.

Gây dựng đã khó, giữ gìn phát triển lại khó hơn, thầy Võ Thành Bé đã gánh vác trách nhiệm này. Hai mươi bốn năm làm hiệu trưởng ở trường này thầy đã nổ lực không ngừng để giữ gìn thành quả của người đi trước. Thầy tìm tòi học hỏi đã mạnh dạn đột phá nhiều mô hình mới để đưa trường tiến xa hơn hôm qua.và chuẩn bị cơ sở chắn chắn giao lại cho ngày sau. Tâm huyết của thầy đã được nhà nước ghi nhận bằng tấm huân chương lao động hạng ba. Thầy về nghỉ hưu khi đã làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo ưu tú, một người con yêu quê hương Tân Mỹ, một người thầy của mấy mươi thế hệ học sinh, một người dẫn bước cho đội ngũ lãnh đạo kế cận bằng trái tim của người thầy, bằng sự thân thiết của một người bạn.

Nửa học 2010- 2011 thầy Nguyễn Văn Ngợi lên thay, tuổi trẻ, nhạy bén nên thầy đã bắt nhịp sự chuyển giao từ thầy Võ Thành Bé một cách trôi chảy nhịp nhàng. Trường Lấp vò 2 nhận cờ thi đua dẫn đầu khối PHTH và bằng cờ khen của thủ tướng chính phủ có công đóng góp của thầy, Sau một năm làm hiệu trưởng thầy Ngợi về công tác ở Sở Giáo dục.

Tháng 10/2011 thầy Nguyễn Văn Kiệt thay quyền. Là một Hiệu trưởng trẻ chân ướt chân ráo từ trường THPT Hồng Ngự 3 chuyển về nhưng thầy đã nhanh chóng nhập cuộc bằng lối tư duy trẻ trung, phong cách năng động, trái tim giàu nhiệt huyết thầy đã sớm chinh phục được giáo viên, học sinh và phụ huynh. Như một người con hiếu thảo của nhân dân Tân Mỹ, thầy yêu ngôi này như thế hệ cha anh. Thầy chăm chút từng cành hoa, góc kiểng từng lối đi về, luôn mong mỏi gương mặt của trường đẹp hơn mỗi ngày từ thành tích giảng dạy của thầy, kết quả học tập của trò đến cảnh quan của trường. Thầy đã làm đầy thêm phần người đi trước còn làm chưa kịp.Thầy góp công không nhỏ khi đưa tên trường vào danh sách những trường THPT đạt chuẩn quốc gia.Thầy là người kế tục xứng đáng.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường THPT Lấp Vò 2 đã 6 lần thay tên: Trường phổ thông TH Lấp Vò 3( 1978- 1984), TH Thạnh Hưng 3 ( 1985- 1990), trung học Thạnh Hưng 2 ( 1991-1995), trung học chuyên ban Thạnh Hưng 2 (1996-1997) , THPT Lấp Vò 2 từ 1997 cho đến nay. Dù có bao nhiêu tên gọi nhưng lòng người ở đây chỉ có một. Đó là lòng yêu nghề, yêu người, được truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Những thầy cô ngày ấy giờ còn ở lại trường không nhiều. Có người nghỉ hưu, có người chuyển công tác hoặc về quê, có người vì cuộc mưu sinh phải bỏ nghề, có người khi đến tóc còn xanh giờ đầu đã bạc, vẫn sớm trưa lặng lẽ đi về, có người đã đi xa khi đã gắn bó một đời ở đây.

“Tre già măng mọc” thế hệ hôm nay đã và đang cùng người đi trước viết tiếp những trang vàng trong quyển sổ truyền thống của trường. Trường có 47% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh, 4 giáo viên đạt danh hiệu Viên Phấn Vàng thì trong số thầy cô giỏi ấy có nhiều người là học trò của hôm qua nơi ngôi trường này. Họ về đây như một nghĩa vụ phải làm, là trách nhiệm phải tạ ân. Ba mươi lăm năm họat động, trường Lấp Vò 2 đã cống hiến cho xã hội nguồn lực tri thức đáng kể, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong nhiều năm liền tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn ở tốp đầu của tỉnh, số học sinh đỗ vào đại học – cao đẳng ngày càng nhiều, tỉ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia được nâng lên đáng kể. Học sinh Lấp Vò 2, hình như có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước, tham gia nhiều lãnh vực, giữ nhiều vị trí xã hội khác nhau.Nhưng điều đáng quí là mặc dù ở đâu, làm gì họ luôn hướng về trường xưa như hướng về nguồn cội quê hương.Vì với họ nơi đây không chỉ có một thời gắn bó mà còn có nhiều thứ để tự hào, để yêu thương.


Các danh hiệu mà trường THPT Lấp Vò 2 đạt được trong thời gian qua như sau:
- Từ năm 2000 đến năm 2012 , liên tục có HS giỏi cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh về văn hóa, văn nghệ TDTT và các hoạt động phong trào khác.
- Từ năm 1999- 2008, trường đã 8 lần nhận bằng khen và một cờ thi đua của UBND Tỉ nh, 2 bằng khen của bộ giáo dục, một bằng khen của Thủ thướng chính phủ, 7 bằng khen và 1cờ thi đua của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 1 bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam.
- Năm 2009 trường vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng.
- Năm học 2010- 2011 nhận 1 cờ thi đua của UBND tỉnh về đơn vị dẫn đầu khối THPT, 1cờ thi đua của Thủ thướng chính phủ về đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,1cờ thi đua của Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liển và 1 bằng khen của TW Hội khuyến học.

Với những thành tích đó mà ngày 26/12/2012 Trường THPT Lấp Vò 2 đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.
Truyền thống quý báu của trường THPT Lấp Vò 2 là sự năng động, nhiệt tình của Ban lãnh đạo, sự hợp tác chặt chẽ của các đoàn thể; sự tận tình của phụ huynh; lòng yêu nghề, yêu trò của thầy cô giáo, lòng hiếu học và đạo đức hiền ngoan của học sinh, truyền thống yêu thương dìu dắt của người đi trước với người đi sau.

Mảnh đất hoang ngày ấy giờ không còn dấu vết, những cố gắng chắt chiu đã kết thành quả ngọt, trái say. Mỗi ngày áo trắng học trò lộng gió sân trường, tiếng bài giảng vang lên từ lớp học, những trang giáo án hay cứ dầy thêm. Và tất cả chúng tôi tin điều tốt lành sẽ đến. Tin rằng trường Lấp Vò 2 sẽ đến đích của ước mơ !
---------------------------------------------------------------------------
TẦM NHÌN VÀ SỨ MẠNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LẤP VÒ 2
♥-♥
I. Định hướng chiến lược:
1. Sứ mệnh.
Tạo dựng được môi trường học tập về nề nếp, kỷ cương có chất lượng giáo dục cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng và tư duy sáng tạo.
2. Tầm nhìn.
Là một trong những trường hàng đầu của tỉnh mà học sinh sẽ lựa chọn để học tập và rèn luyện, nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới xuất sắc.
3. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường.
- Tình đoàn kết - Lòng nhân ái
- Tinh thần trách nhiệm - Sự hợp tác
- Lòng tự trọng - Tính sáng tạo
- Tính trung thực - Khát vọng vươn lên
II/ MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG.
1.Mục tiêu.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
2. Chỉ tiêu.
2.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên.
- Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 80%.
- Giáo viên nam dưới 50 tuổi, nữ dưới 45 tuổi sử dụng thành thạo máy tính.
- Số tiết dạy sử dụng công nghệ thông tin trên 50% . Trên 50% giáo viên có trình độ A ngoại ngữ, phấn đấu có giáo viên dạy học bằng ngoại ngữ.
- Có trên 20% giáo viên trên chuẩn, cán bộ quản lý có ít nhất 02 người trong trình độ thạc sĩ.
- Phấn đấu 30% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 35% giáo viên dạy giỏi cấp trường.
2.2. Học sinh
- Qui mô: + Lớp học: 41 à 35 lớp.( Học một buổi)
+ Học sinh: 1400 học sinh.
- Chất lượng học tập:
+ Trên 38% học lực khá, giỏi (10% học lực giỏi)
+ Tỷ lệ học sinh có học lực yếu < 5%, không có học sinh kém.
+ Thi đỗ Đại học, Cao đẳng: Trên 65 %.
+ Thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh: 8 giải trở lên/năm.
+ Có học sinh đạt HSG quốc gia.
- Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống.
+ Chất lượng đạo đức: 98% hạnh kiểm khá, tốt.
+ Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện.
- Phấn đấu có lớp học một số môn bằng ngoại ngữ.
2.3. Cơ sở vật chất.
- Phòng học, phòng làm việc, phòng phục vụ được đầu tư, sửa chữa nâng cấp và xây mới, trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và làm việc đạt chuẩn.
- Các phòng tin học, thí nghiệm, phòng đa năng được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại.
- Xây dựng môi trường sư phạm “Xanh - Sạch - Đẹp – An toàn”.
- Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng thêm phòng học và phòng làm việc đạt yêu cầu dạy học và quản lý.
3. Phương châm hành động
“Chất lượng giáo dục là danh dự của nhà trường.
Đạt trong tóp 10 trường mạnh của tỉnh”
III/ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
3.1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.
Người phụ trách: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn
3.2. Xây dựng và phát triển đội ngũ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có trình độ Tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Người phụ trách: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn
3.3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.
Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bảo quản và sử dụng hiệu quả, lâu dài.
Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục; kế toán, nhân viên thiết bị.
3.4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử, phát huy tối đa trang web của trường,…Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học.
Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng, Tổ tin học
3.5. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục.
- Xây dựng nhà trường văn hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
- Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển Nhà trường.
+ Nguồn lực tài chính:
* Ngân sách Nhà nước.
* Ngoài ngân sách “ Từ xã hội, PHHS…”
* Các nguồn từ giảng dạy, dịch vụ của Nhà trường
+ Nguồn lực vật chất:
* Khuôn viên Nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phục vụ học tập.
* Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy - học.
Người phụ trách: Lãnh đạo nhà trường, các đoàn thể và ban đại diện CMHS.
3.6. Xây dựng thương hiệu
- Xây dựng thương hiệu và tín nhiệm của xã hội đối với Nhà trường.
- Xác lập tín nhiệm thương hiệu đối với từng cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và CMHS.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống Nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của Nhà trường.

OTHER PLACES NEAR THPT LấP Vò 2 - ĐồNG THáP

Show more »