THPT HƯNG YÊN 5.03

4.3 star(s) from 95 votes
168-Phạm Ngũ Lão -phường Quang Trung -TP Hưng Yên
Hung Yen, 160000
Vietnam

About THPT HƯNG YÊN

THPT HƯNG YÊN THPT HƯNG YÊN is a well known place listed as School in Hung Yen , High School in Hung Yen ,

Contact Details & Working Hours

Details

Trường Trung học Phổ thông Hưng Yên ngày nay (trường cấp 3 Hưng Yên trước đây) được thành lập từ tháng 9/1959. Từ ngày thành lập đến nay nhà trường đã qua nhiều lần thay đổi vị trí:Năm 1960- 1964: Trường xây mới tại khu chợ Gạo (nay là nhà máy hoa quả xuất khẩu). Năm 1965-1973: Trường sơ tán thành 3 khu: thôn Cao - xã Tự Do, thôn Đằng Châu - xã Lam Sơn và nhà Thờ Bầu - Hồng Nam.




Năm 1973 - 1982: Về trường cũ khu chợ Gạo.
Năm 1982 - 1988: Trường cấp II - Nguyễn Quốc Ân - khu bờ Hồ - thị xã Hưng Yên.
Năm 1989 - 1994: Trường đặt tại khu nhà Thành.

Năm 1994 đến nay: Khu trường mới 168 Phạm Ngũ Lão - phường Quang Trung - TP.Hưng Yên - Hưng Yên. Trường có một khu nhà hiệu bộ hai tầng, hai khu nhà ba tầng mới xây, một dãy nhà cấp bốn được nâng cấp mái tôn trần nhựa, một khu nhà đa năng, khu sân chơi, vườn hoa, ghế đá rộng rãi và thoáng mát học tập, làm việc và giải trí của cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Các phòng học của trường được trang bị đầy đủ các thiết bị giảng dạy học tập theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra trường còn có các phòng thí nghiệm bộ môn, phòng học đa phương tiện, phòng vi tính, phòng học ngoại ngữ và các phòng học chức năng khác được trang bị các thiết bị giáo dục tiên tiến và hiện đại cho giảng dạy và học tập. Năm 2012 trường sẽ khởi công xây nhà hiệu bộ mới 4 tầng với đầy đủ các phòng làm việc, phòng họp, hội trường, trang bị hệ thống hiện đại đảm bảo cán bộ giáo viên làm việc và cải tạo khu sân chơi, cổng trường. Dự kiến hoàn thành vào năm 2013, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 55 thành lập trường.
Trường THPT Hưng Yên được xây dựng trên mảnh đất có truyền thống Văn hiến của quê hương Hưng Yên - Phố Hiến cổ kính, nơi có Văn Miếu Xích Đằng lưu danh nhiều nhân tài kiệt xuất đã đi vào sử sách Việt Nam.
Những ngày mới thành lập, cùng với phong trào thi đua 2 tốt của Bắc Lý, trường THPT Hưng Yên là nơi khai sinh ra phong trào phấn đấu trở thành tập thể học sinh XHCN đầu tiên của miền Bắc và đã có những điển hình giáo dục toàn quốc - Đó là lớp 9B của cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Điểm. Tập thể 9B đã được nhận cờ Nguyễn Văn Trỗi đầu tiên trong cả nước.

Mục tiêu xây dựng trường luôn là trường trung học phổ thông điển hình trong tỉnh ngang tầm với các trường đứng đầu của tỉnh bạn, những thế hệ hiệu trưởng qua các thời kỳ luôn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đã có của trường, đồng thời đặt ra những định hướng và tầm nhìn có tính chiến lược để phát triển cho trường:
Từ năm 1959-1965 thầy Nguyễn Xuân Động - hiệu trưởng đầu tiên.
Từ năm 1965-1975 thầy Trần Phi.
Từ năm 1975-1984 thầy Nguyễn Ngọc Trác.
Từ năm 1984-1991 cô Lê Thanh Xuân.
Từ năm 1991-1996 thầy Nguyễn Khắc Hào.
Từ năm 1996 đến nay thầy Phạm Huy Hinh.
Chính những công lao to lớn của các thế hệ đi trước như vậy mà từ khi thành lập đến nay trường đã có nhiều thành tích xuất sắc về công tác giáo dục và xây dựng nhà trường phát triển toàn diện, dẫn đầu các phong trào thi đua, được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương và bằng khen cao quý:
- Huân chương lao động hạng 3 các năm 1967, 1969, 1994.
- Năm 1968 được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
- Huân chương lao động hạng 2 năm 2002.
- Năm 2003 nhận được Cờ thi đua Chính phủ.
- Huân chương lao động hạng nhất năm 2004.
- Năm 2005 trường đạt danh hiệu Trường chuẩn quốc gia đầu tiên khối THPT của tỉnh Hưng Yên.
- Năm 2009 nhận được Cờ thi đua Chính phủ lần 2 và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng đơn vị “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” điển hình tỉnh Hưng Yên.
- Năm 2010 trường được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
- Năm 2011 trường được đánh giá là trường dẫn đầu ngành giáo dục đào tạo tỉnh Hưng Yên và được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Hưng Yên.
Ngoài ra, trường còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hưng Yên tặng nhiều Cờ, Bằng khen và Danh hiệu cao quý khác.
Ngày nay, trường THPT Hưng Yên luôn luôn vẫn là trường dẫn đầu khối THPT trong toàn tỉnh về chất lượng giáo dục. Phát huy truyền thống và văn hóa phố hiến xưa, trường luôn phấn đấu xây dựng phát triển và đào tạo những thế hệ học sinh Phố Hiến có tài có đức trở thành những người con ưu tú có ích cho xã hội và đất nước. Để mãi mãi như lời bài hát truyền thống của trường “Hành khúc trường cấp 3 Hưng Yên” mà tác giả Nghiêm Bá Hồng đã gửi gắm những tình cảm với nhà trường luôn in sâu trong tâm trí mỗi người đã và đang công tác, học tập trong nhà trường.
==========================================================================================

Năm 1959 Trường THPT Hưng Yên được thành lập trên mảnh đất có truyền thống văn hóa, trở thành một trong những trường THPT đầu tiên của tỉnh. Những năm 60 của thế kỷ trước, Trường THPT Hưng Yên là nơi khai sinh ra phong trào thi đua phấn đấu trở thành tập thể học sinh XHCN đầu tiên của miền Bắc và đã có những điển hình giáo dục toàn quốc, đó là lớp 9B của cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Điểm. Với những thành tích của mình, tập thể lớp 9B đã được nhận cờ Nguyễn Văn Trỗi đầu tiên trong cả nước. Hơn 50 năm qua, truyền thống ấy được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh gìn giữ và phát huy, trở thành trường có bề dày thành tích, rèn luyện nhiều thế hệ học sinh xuất sắc khắp cả nước.
Trong những năm qua, Trường THPT Hưng Yên có bước phát triển toàn diện, là một trong những trường chất lượng cao về văn hóa, thể chất và giáo dục toàn diện của ngành GD-ĐT trong tỉnh. Những phần thưởng của Đảng, Nhà nước trao tặng đã ghi nhận thành tích của nhà trường trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đồng thời khích lệ cán bộ, giáo viên phát huy niềm tự hào về ngôi trường có bề dày truyền thống xây dựng nhà trường ngày càng đi lên. Đến nay, ba lần trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2002 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2, năm 2004 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, được tặng cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT…
Dưới sự lãnh đạo và quan tâm sâu sắc của tỉnh, Sở GD-ĐT, trường tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tập trung vào mũi nhọn dạy tốt-học tốt như phong trào “Trường ra trường-lớp ra lớp”, phong trào thi đua “Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm”, phong trào “Phấn đấu trở thành tấm gương sáng” để học sinh noi theo, đặc biệt là phong trào thi đua “Đổi mới phương pháp dạy và học”. Qua các phong trào thi đua đó chất lượng giảng dạy và học tập của thầy trò nhà trường đã thực sự được nâng cao. Hiện nay 100% giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin để soạn bài và giảng bằng giáo án điện tử. Nhà trường luôn quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ qua tự học, tự bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn, giảng dạy, qua hội thảo chuyên đề, tạo nền tảng xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi. Các giáo viên đều tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng vào giảng dạy. Hàng năm, giáo viên đăng ký viết đề tài, đăng ký trở thành giáo viên giỏi và tổ chuyên môn có kế hoạch giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Đặc biệt, những giáo viên có kinh nghiệm luôn nhiệt tình trao đổi, dìu dắt những giáo viên mới ra trường. Để giáo viên phát huy hết khả năng, đồng thời tạo điều kiện để các đối tượng học sinh được học đúng khả năng, trình độ của mình, nhà trường phân công giáo viên giảng dạy hợp lý ở từng lớp, phù hợp với từng đối tượng. Giáo viên sử dụng phương pháp dạy học mới, ứng dụng CNTT với nhiều hình ảnh sinh động, bằng phương pháp gợi mở để học sinh phát huy tính tích cực trong học tập, chủ động đưa ra những ý kiến của mình nhận định về vấn đề trong bài học.
Một nhiệm vụ nữa mà nhà trường rất coi trọng đó là rèn luyện đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các hoạt động cụ thể. Trường xây dựng nội quy, nền nếp để học sinh rèn luyện, thực hiện. Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm cùng toàn thể cán bộ, giáo viên thực hiện việc theo dõi và duy trì các hoạt động nền nếp, qua đó rèn luyện ý thức đạo đức cho các em học sinh. Tổ chức các đợt thi đua giờ học tốt, ngày học tốt, xếp loại thi đua giữa các chi đoàn vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, tạo điều kiện cho học sinh thi đua rèn luyện và học tập. Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh, có tác dụng giáo dục cho học sinh như thi văn nghệ, thi cắm hoa, thi rung chuông vàng. Nhà trường là nơi thành lập câu lạc bộ phòng chống ma túy đầu tiên trong các trường học kể từ khi tái lập tỉnh. Học sinh được giáo dục xây dựng nhân cách, tác phong đến trường gọn gàng, mặc đồng phục, đeo phù hiệu. Tạo ý thức học sinh tham gia giao thông, mỗi tuần 3 lần, bí thư các chi đoàn đeo băng đỏ hướng dẫn giao thông cho học sinh đi đúng phần đường vào trường, được Tỉnh đoàn tặng danh hiệu cổng trường an toàn giao thông, trở thành hình mẫu cho các trường khác thực hiện.
Để giáo dục truyền thống cho học sinh, vào đầu năm học, học sinh lớp 10 mới vào trường được thăm phòng truyền thống của nhà trường. Qua đó hiểu được quá trình hình thành phát triển và những thành tích của nhà trường để phấn đấu rèn luyện. Phòng truyền thống còn treo trang trọng hình ảnh những liệt sỹ là học sinh cũ của nhà trường. Điều ấy càng nhắc nhở thầy và trò nhà trường không ngừng tiếp tục phấn đấu vươn lên giữ gìn truyền thống nhà trường, xứng đáng với tấm gương anh hùng. Ngoài ra, học sinh còn được đến thăm Văn miếu Xích Đằng, để nhân lên trong mỗi em truyền thống hiếu học của vùng quê văn hiến, tham gia lễ hội dân gian để thêm hiểu biết và tự hào truyền thống văn hóa của quê hương. Ngoài phong trào dạy và học, nhà trường xây dựng mối đoàn kết thân thiện giữa các học sinh, có sự quan tâm, chia sẻ tới học sinh nghèo, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất, tạo mối quan hệ thầy trò đúng mực, song gần gũi, thân thiện.
Trao đổi với nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng nhà trường Phạm Huy Hinh, được biết: tiếp tục phát huy những thành tích, nhà trường không ngừng xây dựng đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ tiếp nối đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, dạy giỏi đã về hưu. Theo đó, trường chú trọng nâng cao nghiệp vụ sư phạm của giáo viên qua dự giờ chuyên môn, hội thảo, qua sách báo chuyên ngành. Trường cử giáo viên trẻ đi học trên đại học, đến nay trường đã có 12 giáo viên có trình độ trên chuẩn. Trường tổ chức các giờ dạy chuyên đề ở 6 tổ chuyên môn vào chiều thứ hai hàng tuần, theo đó mỗi giáo viên ở mỗi tổ được phân công một vấn đề cụ thể, sau đó trình bày trước tổ để duyệt và có sự tham gia góp ý của cả tổ để vấn đề đó trở thành “tài sản” chung của cả tổ, đưa vào giảng dạy trên lớp. Như vậy giáo viên xây dựng được chế độ chuyên môn và nâng cao chất lượng giảng dạy. Với sự nỗ lực của thầy và trò, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi và học sinh đỗ đại học, cao đẳng hàng năm đều giữ vững.
Là trường đạt chuẩn đầu tiên bậc THPT trong tỉnh, trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để phấn đấu xây dựng đạt chuẩn giai đoạn hai trong thời gian tới. Trường quán triệt tới cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với công tác dạy và học, rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo và ý thức học sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, xứng đáng với truyền thống của nhà trường.

Trường THPT Hưng Yên