Thái Bình 6

Số 235 Đường Hai Bà Trưng - TP. Thái Bình
Thái Bình, 410000
Vietnam

About Thái Bình

Contact Details & Working Hours

Details

Thực tế những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết như: bão, lụt, áp thấp nhiệt đới xảy ra thất thường đã trực tiếp ảnh hưởng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhiều ngành sản xuất và đời sống của người dân. Những cơn bão với cường độ ngày càng mạnh đã tàn phá nhiều cánh rừng ngập mặn cũng như rừng phòng hộ, làm suy thoái hệ sinh thái ven biển, ảnh hưởng lớn tới kinh tế thủy hải sản của địa phương. Đặc biệt là cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình vào cuối năm 2012 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản mà nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ngành nông nghiệp với 6.000 ha lúa mùa đã chín bị đổ, ngập sâu trong nước, gần 30.000 ha hoa màu, cây vụ đông bị hư hỏng nặng, hàng vạn cây lấy gỗ, cây ăn qủa bị đổ; trên 8.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải có gần 2.500 ha ngao bị thiệt hại nặng nề.

Các đợt rét đậm, rét hại bất thường kéo dài vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tại Thái Bình cho thấy sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng cực đoan của khí hậu, thời tiết làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Sâu bệnh phát sinh trên diện rộng, dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát ở nhiều nơi gây tâm lý lo ngại, người nông dân không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, cây trồng sinh trưởng chậm, ảnh hưởng thời vụ. Nắng nóng kéo dài do tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, dẫn đến nước biển xâm nhập sâu vào đất liền làm cho đất canh tác tại các địa phương ven biển trong tỉnh bị mặn hóa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, nếu mực nước biển dâng 50 cm thì diện tích đất có nguy cơ ngập lụt trên địa bàn tỉnh là 11,8%; nếu dâng lên 100 cm thì sẽ có khoảng 31,4% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Trong đó, 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải chịu tác động nặng nề nhất với diện tích ngập tương ứng là 31,86 km2 và 35,91 km2... Dự báo đến năm 2100, Thái Bình sẽ bị xâm nhập mặn sâu thêm vào đất liền từ 3 - 9 km, uy hiếp trực tiếp đến an toàn hệ thống hồ chứa và hệ thống đê. Bên cạnh đó, sự diễn biến phức tạp của khí hậu, sự thay đổi các dòng chảy của sông, mực nước biển dâng đã và đang gây ra các hiện tượng sạt lở, xói mòn các bờ sông, bờ biển, phá hủy nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Trong những năm gần đây, hầu hết các con sông chính chảy qua địa bàn tỉnh là sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc… đều diễn ra quá trình sạt lở bờ sông, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn đe dọa đến tính mạng của con người.

Thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rõ nét đối với các vùng ven biển như: Nước biển dâng, mất đất sản xuất nông nghiệp tại các khu vực ven biển, tình trạng xâm nhập mặn. Thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, nắng nóng và mưa bão ngày càng phức tạp, không những gây thiệt hại về người mà đáng lo ngại hơn là biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp. Khi khí hậu thay đổi, nhiều loại cây trồng truyền thống không còn thích nghi với điều kiện khí hậu mới, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể thấy, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thái Bình.

Ðể ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình hành động ứng phó với biển đổi khí hậu và xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Thái Bình giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020. Hiện nay, cùng với việc tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, Thái Bình đang tích cực phát triển, khôi phục lại rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan tích cực trồng mới và khoanh vùng bảo tồn rừng ngập mặn theo mô hình quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện các đề án, đề tài nghiên cứu trong phát triển nông nghiệp, thủy sản, rừng phòng hộ, quản lý tổng hợp dải ven biển và bảo vệ bờ biển... chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa những tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.