Tứ Kỳ 5.47

Huyện Tứ Kỳ
Hai Duong, 176690
Vietnam

Contact Details & Working Hours

Details

Tứ Kỳ là một huyện thuộc Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Cũng giống như các huyện khác của tỉnh Hải Dương, Tứ Kỳ nằm hoàn toàn ở giữa vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, đất đai của huyện được hình thành nhờ sự bồi đắp của hệ thống sông này. phía đông bắc giáp huyện Thanh Hà (ranh giới là sông Thái Bình); phía tây Bắc giáp thành phố Hải Dương; phía tây giáp huyện Gia Lộc; phía tây nam giáp huyện Ninh Giang, đều thuộc tỉnh Hải Dương. phía đông nam giáp huyện Vĩnh Bảo (ranh giới là sông Luộc); phía đông giáp huyện Tiên Lãng (ranh giới là một đoạn sông Thái Bình), đều là các huyện của thành phố Hải Phòng; Ngã ba sông Luộc đổ vào sông Thái Bình nằm trên ranh giới này. Hầu như xung quanh huyện được bao bọc bởi các con sông nhỏ của hệ thống sông Thái Bình. Chính giữa địa bàn huyện là con sông Tứ Kỳ, con sông này chảy qua huyện Ninh Giang theo hướng từ Tây sang Đông, đổ vào huyện Tứ Kỳ ở địa phận xã Quảng Nghiệp rồi chạy dọc theo chiều dài của huyện theo hướng Tây Bắc - Đông nam, men theo thị trấn Tứ Kỳ ở đoạn giữa Thị trấn, Xã Văn Tố với xã Minh Đức, đến đoạn giữa xã Phượng Kỳ và xã Hà Thanh tách làm hai, một nhánh chảy xuống phía nam đổ vào Sông Luộc nơi tiếp giáp giữa xã Tiên Động với Vính Bảo ra Cầu Quí Cao sang Huyện Tiên Lãng- Hải Phòng; một nhánh qua giữa Xã Nguyên Giáp và Tiên Động chảy ra Cầu Xe trước khi đổ vào sông Thái Bình tại địa phận giữa xã An Thanh và Quang Trung, đây là ngã ba ranh giới giữa các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Tiên Lãng.

Diện tích: 170,03 km².

Dân số: 168.790 người (tháng 3/2008).

Mật độ: 970 người/km²

Hành chính:
Huyện Tứ Kỳ có huyện lỵ là:
Thị trấn Tứ Kỳ
và 26 xã: An Thanh, Bình Lãng, Cộng Lạc, Dân Chủ, Đại Đồng, Đại Hợp, Đông Kỳ, Hà Kỳ, Hà Thanh, Hưng Đạo, Kỳ Sơn, Minh Đức, Ngọc Kỳ, Ngọc Sơn, Nguyên Giáp, Phượng Kỳ, Quang Khải, Quang Phục, Quảng Nghiệp, Quang Trung, Tái Sơn, Tân Kỳ, Tây Kỳ, Tiên Động, Tứ Xuyên, Văn Tố

Giao thông
Đường bộ: có đường 391, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nối thành phố Hải Dương với thị trấn Tứ Kỳ, đi Quý Cao.
Có quốc lộ 10 đi Hải Phòng và Thái Bình
Đường 17: Từ TP Hải Dương qua huyện Gia lộc, qua huyện Tứ Kỳ (Ở đoạn xã Quảng Nghiệp, xã Quang Khải) đi huyện Ninh Giang rẽ sang đường 17B lại vào đất Tứ Kỳ (ở đoạn Xã Hà Thanh, Xã Tiên Động) nhập vào đường 191 và đường QL10 ở đoạn Quí Cao.
Đường thủy: Sông Thái Bình Chảy từ phía TP Hải Dương qua giữa Tứ Kỳ (Ở đoạn Hưng Đạo, Đại Đồng, Bình Lãng, Tứ Xuyên, Văn Tố, An Thanh) và Thanh Hà (Ở đoạn Thanh Hải, Tân An, Thanh Thuỷ, Thanh Hồng) qua Tiên Lãng Hải Phòng ra biển. Sông Tứ Kỳ là nhánh của Sông Luộc, chảy giữa Huyện Tứ Kỳ và Huyện Ninh Giang, qua Tiên Lãng Hải Phòng ra biển.

Thắng cảnh, di tích lịch sử & nghề truyền thống
Đình chùa An Thổ tại làng An Thổ xã Nguyên Giáp.
Chùa Đông Dương nằm trên địa bàn xã Minh Đức là một ngôi chùa khá cổ, chùa được xếp hạng di tích lịch sử năm 1994.
Chùa Phúc Diên tại xã Tân Kỳ được xếp hạng năm 1997.
Chùa Khánh Linh tại xã Phượng Kỳ.
Miếu Phạm Xá thuộc xã Ngọc Sơn có lễ hội hàng năm tổ chức vào 9 tháng giêng .
Đình Quỳnh Gôi tại xã Tân Kỳ thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương, thời Hùng Duệ Vương, có công chống giặc Thục, giữ yên bờ cõi. Lễ hội hằng năm vào ngày 8 tháng 2.
Đình Ngọc Lâm (còn gọi là Đình Gậm) tại xã Tân Kỳ, thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương, thời Hùng Vương, như thành hoàng đình Quỳnh Gôi. Lễ hội hằng năm vào ngày 12-18 tháng một.
Thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh có nghề dệt chiếu truyền thống từ lâu đời và được công nhận làng nghề vào năm 2005.
Đền Từ Mắc thuộc thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục thờ vua Quang Trung.
Chùa Diên Khánh (Chốn Tổ chùa Dừa) thuộc thôn Gia Xuyên (Làng Dừa)[1] xã Văn Tố.
Chùa Đống Duyên thuộc thôn Thái An
Chùa Duyên Khánh khu bắc an xã Đông Kỳ
Đền Đình Dọc tại thôn Lạc Dục xã Hưng Đạo - di tích lịch sử văn hóa!
Cây đa cách mạng nằm trong trường trung học cơ sơ Quang phục
Xã hưng đạo làng nghề thêu truyền thống.
--------------------------------------
Tiềm năng và thành tựu phát triển kinh tế văn hóa huyện Tứ Kỳ:
Tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp- TTCN giai đoạn 2006-2010 đạt 28,26%/năm, thu hút được 48 dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
Huyện Tứ Kỳ nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Hải Dương 17 km; phía bắc, đông bắc giáp thành phố Hải Dương và huyện Thanh Hà; phía nam, đông nam giáp huyện Thanh Hà và Hải Phòng; phía tây, tây nam giáp huyện Gia Lộc và Ninh Giang.

Tứ Kỳ xa xưa là biển cả, do biến động của tự nhiên, phù sa sông Hồng, sông Thái Bình đã bồi tụ dần tạo nên vùng đất Tứ Kỳ ngày nay. Do đất đai, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc chăn nuôi và trồng trọt nên tổ tiên của người dân Tứ Kỳ về đây khai phá từ rất sớm. Trải qua hàng ngàn năm lao động cần cù, thông minh, sáng tạo những vùng đất sình lầy, hoang sơ thành ruộng đồng, thành xóm, thành làng và sớm có cuộc sống văn minh.
Ngày 27/1/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/NĐCP về việc chia tách huyện Tứ Lộc để tái lập hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc. Nằm ở vị trí chiến lược, nơi có các trục đường giao thông giao lưu với Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh, vì vậy Tứ Kỳ có nhiều tuyến đường bộ và đường thủy liên tỉnh, liên huyện chạy qua.

Về đường bộ, toàn huyện có ba tuyến đường lớn và mạng lưới các đường liên xã, liên thôn. Trong đó, tỉnh lộ 391 bắt đầu từ ngã ba Phúc Duyên đến Quý Cao, dài 26,5km. Đoạn qua Tứ Kỳ từ Cống Câu (xã Ngọc Sơn) chạy dọc theo chiều dài của huyện đến Quý Cao (xã Nguyên Giáp) dài 24,5km, từ đây đi Kiến An, Hải Phòng hoặc đi Thái Bình, Nam Định. Quốc lộ 37 chạy từ Phả Lại qua Hải Dương, Gia Lộc đến Thị trấn Ninh Giang để sang Thái Bình. Đoạn qua Tứ Kỳ gồm các xã: Dân Chủ, Quảng Nghiệp và Đại Hợp dài 4km. Đường 9 (đường 17D) từ Thị trấn Ninh Giang đi Hải Phòng qua ba xã: Hà Kỳ, Hà Thanh, Nguyên Giáp dài 11,6km.

Ngoài ba con đường chính nói trên, Tứ Kỳ còn có một số con đường khác như: đường 191D, 191B, 191N, 191E… và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuận tiện cho việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Về đường sông, Tứ Kỳ là huyện nằm trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình nên Tứ Kỳ có nhiều con sông chảy qua, thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường bộ. Bên cạnh những dòng sông lớn, Tứ Kỳ còn có nhiều sông ngòi, mương lạch nhỏ thuận tiện cho việc canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Từ những đặc điểm và điều kiện nêu trên là những nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho Tứ Kỳ phát triển nền kinh tế đa dạng về cơ cấu, có sự giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng lân cận.

Đất đai Tứ Kỳ được hình thành do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp nên chủ yếu là đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất thịt nặng thích hợp với việc cấy lúa, trồng màu và trồng các cây ăn quả. Đồng thời nằm trong hệ thống hai con sông lớn cùng với hệ thống sông ngòi đã tạo cho Tứ Kỳ phát triển việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ.

Tứ Kỳ là huyện thuần nông, hiện tại trên 50% dân số sống bằng nghề nông nên ngành nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện và được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 của huyện là 2.85% năm; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng ngành dịch vụ nông nghiệp: trồng trọt 52%, chăn nuôi thủy sản 35%, dịch vụ nông nghiệp 13%. Giá trị sản xuất bình quân trên đất nông nghiệp đạt 75 triệu đồng/ha/năm; trong đó nhiều xã cho giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha/năm như: Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tân Kỳ, Tái Sơn, Nguyên Giáp. Về thủy sản toàn huyện hiện có 1.520 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 6.950 tấn.
Về công nghiệp-TTCN: Tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp- TTCN giai đoạn 2006-2010 đạt 28,26%/năm, thu hút được 48 dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Công ty Sees Vina (xã Minh Đức), Công ty TNHH RichWay (xã Kỳ Sơn) đã thu hút lực lượng lớn lao động của huyện vào làm việc. Huyện có các cụm công nghiệp: Nguyên Giáp (102,64 ha), Ngọc Sơn (59,52 ha), Kỳ Sơn (53,26 ha) và Văn Tố (30 ha) đã được quy hoạch và bước đầu thu hút một số dự án đầu tư. Bên cạnh đó, huyện Tứ Kỳ tiếp tục quan tâm, củng cố, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống. Đến nay toàn huyện đã có 11 làng nghề thuộc 8 xã, thị trấn với trên 5.500 lao động, điển hình như: nghề thêu ren (xã Hưng Đạo); nghề vàng bạc (La Tỉnh, Thị trấn Tứ Kỳ); nghề dệt chiếu cói (Tứ Xuyên, An Thanh)…

Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp-TTCN, hoạt động thương mại dịch vụ cũng được phát triển một cách mạnh mẽ. Hiên nay, toàn huyện có trên 4.200 hộ kinh doanh thu hút trên 5.000 lao động. Một số ngành có tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt khá như: Dịch vụ vận tải hàng hóa (25%), dịch vụ vận tải hành khách (8,5%), dịch vụ bưu chính viễn thông, bến bãi…Ngoài ra hệ thống các chợ nông thôn cũng phát triển nhằm phục vụ đời sống và giao lưu của nhân dân: chợ Đoàn, chợ Mũ (Khu thượng), chợ Mắc, chợ Yên, chợ Măng, chợ Lâm (Khu trung); chợ Quý Cao, chợ Đấm (Khu hạ) đã thu hút khách hàng trong và ngoài huyện.

Kinh tế phát triển là điều kiện để huyện Tứ Kỳ đầu tư cho văn hóa, giáo dục. Chất lượng và hiệu quả giáo dục của huyện ngày một nâng cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào các trường THPT năm 2010 đạt trên 80%, số học sinh thi đỗ vào các trường Đại học hàng năm tăng cao. Toàn huyện hiện có 30 trường đạt chuẩn Quốc gia (07 trường Mầm non, 21 trường Tiểu học và 02 trường THCS); tham gia thi học sinh giỏi cấp Tiểu học và THCS luôn xếp tốp đầu trong 12 huyện, thị xã, thành phố; toàn ngành giáo dục huyện nhiều năm được đánh giá cao và xếp tốp đầu trong toàn tỉnh.

Phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được quan tâm. Toàn huyện có 81 làng văn hóa được công nhận đạt 71,6% tổng số làng, khu dân cư trên địa bàn huyện, trên 81% gia đình đạt gia đình văn hóa, có 98 thôn có nhà văn hóa, 15 câu lạc bộ thể thao, 90 điểm nhóm tập thể thao, 85% xã, thị trấn có thiết chế thể thao, 25% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Có thể nói trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, người dân Tứ Kỳ luôn luôn cần cù, sáng tạo thì đời sống văn hóa, tinh thần cũng khá phong phú. Tứ Kỳ là nơi có nhiều đình, chùa, miếu với cảnh quan đẹp và là nơi nhân dân thờ cúng, hội hè, đình đám… Hiện nay, Tứ Kỳ có nhiều di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa là: chùa Đông Dương (Minh Đức), chùa Phúc Diên (Tân Kỳ), chùa Khánh Linh (Phượng Kỳ), miếu Phạm Xá (Ngọc Sơn). Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Tứ Kỳ. Trong hàng trăm di tích của Tứ Kỳ, nhiều di tích gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của huyện như: đình La Tỉnh (Thị trấn), đền Mắc (Quang Phục), chùa Nghi Khê (Tân Kỳ). Mặc dù các di tích văn hóa của huyện đã trải qua hàng trăm năm bị thiên tai, giặc tàn phá nhưng những dấu ấn tốt đẹp vẫn còn đọng lại sâu sắc trong ký ức của nhiều người dân nơi đây. Là một vùng quê bốn mùa cây cối xanh tươi, mọi người dân sống đoàn kết, vui vẻ, lạc quan, Tứ Kỳ còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, những lời ca, tiếng hát như: truyện Nhất bào sinh ngũ tử ở La Tỉnh (Thị trấn Tứ Kỳ), truyện Song sinh đồng tử ở Hiền Sĩ (Tây Kỳ), ông Cộc, ông Dài ở Lạc Dục (Hưng Đạo), bà Bổi Lạng ở Bình Lãng… hầu hết đều phản ánh truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, lao động sáng tạo và đời sống tinh thần phong phú của người dân Tứ Kỳ. Ngoài ra ở thôn Xuân Nẻo (Hưng Đạo) có chiếu chèo bà trùm Bông, người Đại Đồng giỏi hát tuồng, người Đại Hợp giỏi hát đúm, người Dân Chủ giỏi hát ả đào (hát Ca trù)… Nhiều địa phương ở Tứ Kỳ hàng năm vào những tháng nông nhàn tổ chức các lễ hội như: xã Quang Khải, Minh Đức có hội pháo đất; xã Văn Tố, An Thanh, Hưng Đạo có hội vật, hội bơi; xã Dân Chủ có hội săn bắt chim…

Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tứ Kỳ đã có nhiều đóng góp công sức và xương máu của mình cho đất nước. Toàn huyện có 4.143 liệt sĩ, 1.722 thương binh, 1.037 bệnh binh, 203 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 02 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 02 Anh hùng Lao động. Đặc biệt, xã Hưng Đạo được 02 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng, là xã Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện.

Tứ Kỳ với vị trí và điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi; nhân dân Tứ Kỳ có truyền thống yêu nước, có bề dày văn hóa, sống trọng tình trọng nghĩa, thủy chung, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Chính điều này đã làm nên sức mạnh nội lực để Tứ Kỳ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.