Suối cá cẩm thủy 2.47

xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Thanh Hóa, 450000
Vietnam

About Suối cá cẩm thủy

Contact Details & Working Hours

Details

Theo lời của người bạn giới thiệu chúng tôi ngược dòng sông Mã tìm về Xã Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá để chiêm ngưỡng suối cá Thần bản Ngọc. Tại đây chúng tôi đã được nghe những huyền tích cuối cùng về suối cá Thần.
Đường lên bản Ngọc quanh co…
Chúng tôi khởi hành chuyến đi khi trời còn mờ sương và đồng hồ còn chưa chỉ sang 7h. Đường đi lên suối cá có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lên, cạnh quốc lộ 1A, hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thủy rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những người bạn trong đoàn chúng tôi không thể không xuýt xoa bởi vẻ hùng vĩ mà nên thơ của con đường đi lên suối cá Thần. Núi trùng điệp núi. Sương trùng điệp sương. Con đường quanh co với những hàng cây hai bên đường đẫm đầy sương núi.
Không khí miền núi dễ chịu với những dãy núi chạy song song với dòng sông uốn lượn. Sông Mã oai hùng đã đi vào những câu thơ của Quang Dũng như đang sát sườn với chúng tôi. Dòng sông xanh màu nước với những đoạn sông mùa nước cạn trơ lòng ngổn ngang cuộc trắng. Đường lên núi đẹp như một bức tranh. Xã Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá (thuộc tổng Lương Điền xưa) mà chúng tôi tìm đến nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ Bắc đến Đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi. Dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam. Xã Cẩm Lương, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây, cư dân tương đối ổn định, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Đến với xã Cẩm Lương, tìm đến suối cá Thần xe chúng tôi phải đi qua một chiếc cầu treo leo bắc giữa hai sườn núi. Suối cá Thần lúc đó đã dang rộng đôi tay đón chúng tôi vào lòng. Chúng tôi háo hức tìm đến Suối cá bản Ngọc huyền bí.
Nhân dân bản Ngọc quen gọi suối cá nơi đây là Vó cá thần, tên gọi này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Thần Rắn. Chuyện kể rằng từ từ thủa khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, người dân bản Ngọc vô cùng túng khó. Ở đó có hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm. Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu “Tứ Phủ Long Vương”. Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi Cá thần từ đó.
Suối cá Thần xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá. Cá ở suối cá thần rất nhiều, có người ước tính hàng nghìn con, lớn đến 5 kg, thường xuyên bơi lội ở suối trước đền Ngọc. Dân quanh vùng không ai bắt cá để ăn, vì vậy cá ở đây rất dạn người. Đáy suối được thiên nhiên "lát" bằng lớp đá cuội sáng lấp lánh. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150 m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề có mùi tanh, bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Trước đây, người dân vẫn dùng nước ở suối để ăn, tắm gội, nhưng giờ họ đã tìm được nguồn nước khác. Nếu nóng bức sau khi leo núi, du khách có thể vớt nước suối rửa mặt. Nước trong và mát sẽ làm dịu bớt cái nóng nực mùa hè. Không những thế những chú cá Thần ở đây cũng không giống cá bình thường. Loài cá ở đây có tên là cá Dốc chúng có hình thù rất đẹp, với lớp vảy phía trên lưng màu sẫm tựa như rêu và đá núi. Thân hình cá khá giống loài trắm sông, lưng và vây có chấm đỏ, môi phớt hồng. Ngồi trên bờ suối, du khách có thể sờ lên lưng những chú cá, chỉ cần ném cho vài hạt bỏng ngô là chúng thích thú, tha hồ cho bàn tay vờn vỡ. Những con cá nần nẫn đớp mồi, bơi lượn thật đã mắt. Cả đoàn chúng tôi cứ sà xuống suối, đùa giỡn với đàn cá đông đúc dày đặc, chúng gối lên nhau, xếp vào nhau. Theo nhân dân trong vùng kể lại, đàn cá có một con cá Chúa nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với người và người dân nơi đây cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.
Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962, hiện nay chỉ còn lại nền móng. Từ suối con suối bạn có thể men theo dãy núi Trường Sinh, đi khoảng 200 m , sẽ gặp động Đăng - một hang động được tạo nên do hiện tượng Ca-xtơ xâm thực. Cửa động Đăng cao khoảng 7 m, rộng 8 m có lối vào thoải mái, dễ đi. Trong động, những khối thạch nhũ sáng lấp lánh từ vách động, vòm động rủ xuống, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Đường vào động sâu thẳm, với hai lối đi chính, một lối rẽ xuống mó Ngọc, xuống suối, còn lối kia sẽ dẫn đến động Tăng. Từ động Đăng, đi bộ gần hai giờ, ta sẽ đến động Tăng. Đây là hang động trên sườn núi Trường Sinh cao khoảng 10 m tính từ chân núi. Vòm cửa động cao khoảng 10 m, rộng 12 m. Động Tăng đẹp, hài hòa, với sự bài trí của một ngôi chùa. Những khối thạch nhũ trong động được tạo nên như có bàn tay con người sắp đặt, có cấu trúc như bệ tam thế. Vào các ngày lễ Tết, bà con tổng Mông Sơn và khách thập phương vẫn thường đến đây làm lễ cầu phúc.
Trời đã đổ về chiều nhưng đoàn chúng tôi còn cố nấn ná chờ đến giờ cá thần trở về hang. Qua 18h chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi dường như tất cảt cá Thần trong suối đều quay mình trở về hang. Cửa hang do địa chấn thay đổi cửa hang đã sụt xuống còn rất nhỏ, đàn cá hang ngàn con mà cứ theo thứ tự lần lượt trở về. Một vài chú cá con còn thơ thẩn đợi đàn cá về hết mới thong dong trở về hang. Suối cá trở nên yên tĩnh lạ thường. Cuộc sống của người dân dần trở về yên bình. Không còn cái nhộn nhịp của hang quán nơi bán ngô, nơi rau xắng, rau thù lù. Cũng không còn những ống cơm lam thơm phúc, những quả bầu quả bí, những thưng cà tím của buổi hang. Cuộc sống lại trở về bình yên. Anh bạn tôi cứ tiếc nuối mãi vì chưa có duyên gặp được “cá chúa”. Anh bảo vệ suối cá cười hiền rồi bảo “Cũng lâu lắm từ ngày cửa hang sụp xuống không thấy Ngài ra nữa, không biết Ngài có còn không?”. Thấy anh bạn tôi cứ day dứt về điều đấy, anh lại tiếp lời “ Nhưng anh cũng đừng lo, gần đây ở mó Đóng thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên, (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cách thị trấn Cẩm Thủy 15km về phía tây, người ta đã phát hiện ra một suối cá mới. Suối cá này và suối cá thần suối Ngọc Cẩm Lương nằm ở hai phía bờ khác nhau của sông Mã. Người dân ở đây không dám đánh bắt cá, cá sống chung hòa bình với người, sinh sôi đông đúc, con lớn nặng từ 3 đến 4 kg, con nhỏ 500g. Đặc điểm của cá ở đó cũng giống hệt như cá ở suối Ngọc. Nhiều đoàn nghiên cứu đến tìm hiểu và đang cố đi vào trong lòng núi để tìm hiểu về nguồn gốc Cá Thần, khi ấy các anh nhớ quay lại nhé”. Lời người miền quê ân cần như níu chân người ở lại. Anh bạn cùng đoàn tôi thảnh thơi bảo “Sang năm nhất định anh lại về”