Long Sơn - Sơn Động - Bắc Giang 3.63

Xã Long Sơn - Huyện Sơn Động - Tỉnh Bắc Giang
Bac Giang,
Vietnam

About Long Sơn - Sơn Động - Bắc Giang

Long Sơn - Sơn Động - Bắc Giang Long Sơn - Sơn Động - Bắc Giang is a well known place listed as Landmark & Historical Place in Bac Giang ,

Contact Details & Working Hours

Details

Long Sơn là xã vùng cao thuộc huyện Sơn Động, từ thị trấn An Châu theo trục đường 279 đi khoảng 25 km về phía đông Nam là đến xã Long Sơn. Ngược dòng thời gian, trước cách mạng Tháng Tám là xã Thượng Long thuộc tổng Vị Loại, châu Sơn Động. Có thời gian xã này thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên. Năm 1957 thành lập huyện Sơn Động có tên là xã Thăng Long, nay là xã Long Sơn gồm 8 thôn, bản: Đẫng, Tẩu (Lục Liễu), Thượng, Hạ, Điện, Thanh Hương, Bản Bầu, Đồng Chòi.

Ông Ngọc Tiến Lệ, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: là một xã vùng cao có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chí) trong đó, người Kinh chiếm 79%. Xã có dòng họ Ngọc, Nguyễn, Vi, Hoàng…là những dòng họ lớn, có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển làng –- xã từ xưa đến nay. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Long Sơn không ngừng phấn đấu để trở thành một xã vững mạnh về kinh tế và chính trị. Từ năm 1993 đến nay, xã Long Sơn liên tục là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Xã có thôn Thượng và thôn Hạ được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh.

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc, vùng đất này được coi là phên dậu, cửa ngõ vùng biên, từng là trấn ải của vương triều nhà Trần để ngăn bước tiến của quân giặc. Thời Lý - Trần với chính sách “nhu viễn” dùng các động thái mềm dẻo, nhằm động viên những người đứng đầu các địa phương, các tù trưởng dốc sức giữ yên bờ cõi. Thêm vào đó, khi có sự biến các tù trưởng này sẽ mang quân đi đánh dẹp. Nhà Lý - Trần thường gả các công chúa cho các tù trưởng, các vị tướng soái lập công lớn ở các địa phương hoặc cắt cử các vị tướng lĩnh giỏi lên các địa phương trấn ải. Dọc phòng tuyến sông Lục Nam và các cửa ngõ vùng biên miền đông bắc tổ quốc đều được vua tôi nhà Trần phòng ngự rất chặt chẽ. Vùng đất Long Sơn xưa là xã Vị Loại thuộc châu Sơn Động có hai vị tướng làm quan trong triều nhà Trần được cử lên trấn ải, ngăn bước tiến của quân giặc là Đào Khai Trân Ngọc và Nguyễn Ký Tài.

Hiện nay, trên dải đất này còn hai di tích lịch sử văn hóa: đình Lục Liễu thờ Đào Khai Trân Ngọc (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) và nhà thờ dòng họ Nguyễn thờ ông Nguyễn Ký Tài. Đình Lục Liễu còn lưu giữ được hai đạo sắc phong dưới đời vua Khải Định năm 1917 và 1924 sắc cho Đào Khai Trân Ngọc, ông có nhiều công lao trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ vùng biên giới phía đông bắc tổ quốc. Mặt khác lại có công hướng dẫn nhân dân làm ăn sinh sống, xua đuổi thú giữ, mở mang đất đai…Ghi ơn ấy nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đình tôn thờ ông cùng hai vị đức thánh Cao Sơn, Quý Minh làm thành hoàng làng.

Ngôi đình hiện nay tọa lạc trên bãi đất rộng ở trung tâm thôn Lục Liễu, xây mặt nhìn ra hướng Nam. Cụ Ngọc Thanh Lâm là người am hiểu lịch sử địa phương cho biết: Trước đây đình Lục Liễu to rộng, bề thế được tạo dựng bởi gỗ lim chắc chắn gồm năm gian tòa tiền tế nối ba gian tòa hậu cung tạo bố cục hình chữ đinh. Trong kháng chiến chống Pháp đình đã bị đốt cháy nên không còn được nguyên vẹn như xưa. Hiện nay, đình Lục Liễu đã được tôn tạo bình đồ kiến trúc hình chữ nhất gồm ba gian, phần kết cấu vì mái theo kiểu vì kèo, gác tường.

Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới những vị thần đã có công lao bảo vệ dân làng, đất nước. Trong ngày lễ hội, ngoài phần tế lễ còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi hát tuồng, hát đối đáp, đánh đu, đấu vật…Những người ra hát thường là những trai thanh, gái lịch, có thanh, có sắc, lời ca từ là do hai bên nam nữ tự ứng tác. Một số lời ca từ trong cách hát đối đáp ở ngày hội mà chúng tôi sưu tầm được:

Có đất tứ linh/Thám hoa, bảng nhãn, cử nhân, tú tài/Anh khuyên nàng chớ có nghe ai/ Để anh đi học nữa một mai cho kịp người/Một mai thi chiếm đậu tam khôi/Bõ công cha mẹ dưỡng nuôi anh học hành/Nếu một mai thi chiếm bảng đề danh/Nàng về thu xếp cho anh vào trường. Hoặc: Đôi ta hội ngộ tình cờ/ Ngón đàn anh họa câu thơ em đề/Muốn cho thuận nẻo đi về/Anh sang làm rể em về làm dâu…

Nhà thờ họ Nguyễn xây dựng trên đồi Tồ Đống, thôn Hạ nhìn ra hướng Nam. Bình đồ kiến trúc theo kiểu hình chữ đinh gồm tòa tiền tế ba gian nối tòa hậu cung một gian. Bên trong hậu cung xây lăng mộ và bàn thờ ông tổ họ Nguyễn Ký Tài. Hiện nay con cháu dòng họ Nguyễn còn lưu truyền về sự tích và công trạng vị tổ họ: Tương truyền ông Nguyễn Ký Tài quê gốc ở Huế làm quan trong triều nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ông được cử đi dẹp loạn vùng biên giới ở Vị Loại xã, đóng đại bản doanh tại đồi Tồ Đống. Con trai ông là Nguyễn Viết Thịnh lấy vợ người họ Ngọc xã Vị Loại sinh hạ được ba người con, trải qua mấy trăm năm, qua mười mấy đời con cháu nay đại diện cho dòng họ Nguyễn có ba chi, sinh sống chủ yếu ở thôn Hạ, xã Long Sơn. Ngày giỗ tổ họ Nguyễn 23 tháng Giêng âm lịch, cả dòng họ lại tập trung đông đủ tại nhà thờ làm lễ giỗ tổ. Tiếp nối truyền thống yêu nước của dòng họ, đến nay dòng họ Nguyễn có không ít người con giữ trọng trách cao trong xã hội, như ông Nguyễn Tiến Thanh đại tá, công tác trong Quân đội, ông Nguyễn Văn Bình nguyên là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Sơn Động…

Là xã miền núi có truyền thống đấu tranh yêu nước, trong kháng chiến chống Pháp, xã Long Sơn có nhiều thanh niên nhập ngũ vào cảm tử quân, vệ quốc đoàn. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân trong xã bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ vào ngày 2.7.1967 và ngày 17.3.1968, được chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xã Long Sơn có 55 liệt sỹ, 12 thương binh, đã có nhiều đóng góp làm nên chiến công chung của dân tộc. Ngày nay, xã Long Sơn đang trên đà đổi mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Các công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện, đường, chợ…được Đảng bộ và nhân dân trong xã quan tâm. Chợ Long Sơn được thành lập năm 1980. Là chợ có sớm trong huyện Sơn Động, có quy mô lớn họp vào các ngày 3,8…âm lịch hàng tháng. Người đi chợ là đồng bào xã sở tại và các xã lân cận, như: Dương Hưu, Bồng Am, Thanh Luận, An Châu, An Bá…Ngoài ra, còn có người ở Bắc Giang lên, ở Quảng Ninh, Hải Phòng sang họp chợ. Có quốc lộ 279 chạy qua, nối liền xã Long Sơn với huyện lỵ Sơn Động và tỉnh Quảng Ninh. Giao thông thuận tiện đã tạo cho chợ thêm đông.

Là xã vùng cao nằm dưới chân đèo Hạ My trong dãy Yên Tử. Long Sơn được thiên nhiên ưu đãi có hồ Khe Chão - cảnh quan sinh thái có nhiều tiềm năng du lịch. Hồ Khe Chão nằm dưới chân đèo Hạ My giữa hai khe núi Tăng thuộc thôn Tẩu, xã Long Sơn, cách trung tâm xã khoảng 3km về phía đông. Mặt hồ rộng khoảng 5 ha, chạy dọc theo hai sườn núi ăn sâu vào trong khe núi khoảng 5km, mực nước chỗ sâu nhất khoảng trên 30 m. Nước hồ xanh trong được dẫn dắt từ các khe núi chảy ra. Trên các sườn núi cây rừng nguyên sinh còn khá xanh tốt, là môi trường cảnh quan lý tưởng cho việc khai thác tiềm năng du lịch sinh thái xã Long Sơn. Những ngày hè nóng bức du khách ở khắp nơi về đây du thuyền, tắm mát. Hiện khu cảnh quan sinh thái này đang được khai thác sử dụng. Hy vọng trong tương lai được sự quan tâm của các ngành các cấp, hồ Khe Chão, xã Long Sơn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện Sơn Động.

OTHER PLACES NEAR LONG SơN - SơN ĐộNG - BắC GIANG

Show more »